Cách trung tâm thị xã Hồng Lĩnh 3km về phía Tây Nam, Nhà thờ Thái Kính nằm ở mé Tây núi Bạch Tỵ.thuộc địa bàn tổ dân phố 7, phường Đậu Liêu (trước đây gọi là làng Nham Xá, huyện Thiên Lộc, tỉnh Hà Tĩnh).

Căn cứ vào một số tư liệu lịch sử như: “Các nhà khoa bảng Việt Nam”, “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Nghệ An ký”, “Hà Tĩnh nhân vật chí”, “Văn Miếu Quốc Tử Giám và 82 bia Tiến sỹ”, “Khoa giáp bi chí (Cảnh Hưng thứ 16 - 1755) trong sách “Văn bia Hà Tĩnh”…cho biết Thái Kính (còn có tên Thái Cảnh) sinh năm Mậu Tuất đời vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức thứ 9 (1478), quê ở xã Kiệt Thạch huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, nay là xã Thanh Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Về sau dời đến làng Nham Xá, xã Đậu Liêu, nay thuộc Tổ dân phố 7 phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Thân sinh là cụ Thái Di Kiên từng đỗ cử nhân, làm quan tri huyện ở Đông Thành, Nghệ An.

Thuở nhỏ Thái Kính theo đòi bút nghiên với thầy đồ trong làng chăm học và học giỏi lại được sự dạy dỗ chu đáo của người cha và sự chăm chút tần tảo của người mẹ, ông đã không phụ lòng của cha mẹ và thầy giáo của mình. Khoa thi Tân Mùi đời vua Lê Tương Dực niên hiệu Hồng Thuận thứ 3 (1511), Thái Kính đã đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sỹ xuân thân vào hạng thứ 3. Cùng đỗ với ông ở khoa thi này còn có 3 người quê ở Hà Tĩnh đó là: Trần Bảo Tín - Đệ nhất giáp Tiến sỹ cập đệ, quê ở huyện Nghi Xuân; Phan Chính Nghị - Đệ nhị giáp Tiến sỹ quê ở huyện Nghi Xuân, Trần Viết Thứ - Đệ tam giáp Đồng tiến sỹ quê ở huyện Thạch Hà. Thái Kính đã từng giữ các chức: Thừa chính sứ Thuận Hoá, Hình bộ tả thị lang, cũng có tài liệu chép “ông làm quan đến chức Hữu thị lang bộ Hình” (Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075-1919). Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” (tập IV) chép“Đời vua Lê Chiêu Tông, năm Quang Thiệu thứ 5 (1520), vua sai Thái Cảnh làm thừa chính sứ Thuận Hoá thay cho Phạm Khiêm Bính” (trang 103).

          Ông sống và làm quan trong một giai đoạn lịch sử hết sức phức tạp, thời kỳ nhà Lê suy vong. Thể chế triều vua Lê Uy Mục (1505-1509) hết sức lỏng lẻo về mặt kỷ cương phép nước, vua ăn chơi sa đoạ, cận thần quan lại ra sức đục khoét, chia bè đảng, ở dưới xã thôn vùng viễn trấn thì “phép vua thua lệ làng”. Thời kỳ Tiến sỹ Thái Kính sống và làm quan có các đời vua được mệnh danh là hỗn quân bạo chúa. (Vua Lê Uy Mục được gọi là “Quỷ vương”, Vua Lê Tương Dực được gọi là “vua Lợn”). Mạc Đăng Dung đang bành trướng thế lực giành ngôi nhà Lê. Làm quan trong một hoàn cảnh như thế cho nên ông không thể đem hết tâm huyết của mình để phụng sự. Chính vì thế, sau khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê (1527) lập ra triều nhà Mạc, Thái Kính đã xin cáo quan về nhà đọc sách, giúp đỡ gia đình và quê hương xây dựng cuộc sống mới.

          Ông mất không rõ năm, phần mộ ông hiện nay ở trên núi Bạch Tỵ phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh. Theo sự đánh giá của các nhà nghiên cứu lịch sử, tư liệu về thân thế và sự nghiệp của Tiến sỹ Thái Kính được ghi chép không nhiều nhưng những đóng góp của ông đối với giai đoạn lịch sử đầy phức tạp cuối Lê đầu Mạc cũng đủ chứng minh cho tâm và tài của vị Tiến sỹ họ Thái sống cách đây hơn 500 năm. Điều ghi nhận nữa ở ông là làm quan giữa lúc triều vua Lê đang trên đà xuống dốc nhưng không vì thế mà quên nghĩa lớn đối với quê hương, đất nước. Bên cạnh mưu lược về quân sự, giúp vua dẹp loạn, ông còn có công lao trong việc khai khẩn đất hoang, xây dựng làng mạc quê hương.

Về sau, đến thời nhà Nguyễn để ghi nhận những công trạng của ông, triều vua Khải Định đã có sắc phong cho Hình bộ Tả thị lang Thái Kính là Thượng đẳng thần.

Hơn 500 năm họ Thái Kính đã có ở Đậu Liêu, dù qua các triều đại họ Thái bị phân tán, gia đình ông Thái Kính về quê Khánh Lộc ở. Nhờ một thầy đồ dạy học ở bên đó thông tin với con cháu các chi, nhất là chi Đại tôn đã thống nhất chuyển tiến sỹ Thái Kính về phụng thờ ông cha và các dòng con cháu. Lễ Kỵ vào ngày 14 tháng 6 Âm lịch.

Nhà thờ có hai toà chính xây dựng bằng bê tông, lợp ngói sạch sẽ, uy nghi. Toà chính trang trí long ngai, bài vị, câu đối, 3 dãy bàn, Hương án, chậu cảnh. Bên ngoài có đài tưởng niệm 10 liệt sỹ cứu quốc và một căn nhà kho cất các dụng cụ qua các ngày lễ. Với tinh thần ham học hỏi, các bậc con cháu họ Thái Khắc đạt được bằng tú tài, cử nhân, Tiến sỹ, sắc bằng các triều đại ban cho như: sắc Cửu phẩm bá hộ, huân huy chương, sắc trung đẳng tôn thần và sau đó được tặng sắc Thượng đẳng tôn thần.

          Năm 1984, trong phong trào di dân lên đồi để đổi lấy đất sản xuất nông nghiệp, nhà thờ Thái Kính được chuyển lên núi Bạch Tỵ xã Đậu Liêu. Trải qua thời gian, hệ thống nhà thờ bằng gỗ lim đã bị hư hỏng hoàn toàn. Năm 1994, con cháu hậu duệ Thái Kính đã tiếp tục xây lại nhà hạ điện. Nhà thờ Thái Kính đã được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp Tỉnh năm 2008.

Nhà thờ cùng các tài liệu hiện vật gốc có giá trị lịch sử và được lưu giữ qua bao thế hệ như sắc phong, câu đối là nguồn tài liệu hết sức quý giá, có giá trị nghiên cứu khoa học. Trên cột Hạ điện có Nghê chầu, phần thân cột hai câu đối bằng chữ Hán như:

              “Phụ giáo đăng khoa lưu bang sử

              Tử công tán trị gia truyền” (Tạm dịch: “Sự giáo dục của người cha được lưu danh sử sách/ Công trạng của người con được lưu giữ trong gia đình”)

Hay:

           “Vạn đại thịnh cường ân đức tổ

        Xuân thu phụng tự niệm tiên thần” (Tạm dịch: “Ân đức tổ tiên thịnh cường muôn năm/ Xuân thu tưởng nhớ phụng thờ tiên thần”)

Đặc biệt, ở nhà Thượng điện hai đôi câu đối:

           “Đức phúc tổ truyền lưu vạn thế

Lộc tài tiên tặng tái trường niên” (Tạm dịch: “Đức phúc của tổ tiên lưu truyền mãi mãiLộc tài của tiên tổ được tái tạo hàng năm”)

Công lao to lớn của ông còn được thể hiện qua câu đối:

Tam giáp khoa danh bia Sạc Lịnh

Thiên thu miêu duệ thọ Đông Lâm” (Tạm dịch: “Rạng danh ba khoa còn ghi ở bia Sạc Lịnh/ Ngàn năm con cháu trường tồn ở Đông Lâm”)

Và:

 “Tiên tổ phúc hồng lưu hậu thế

Tử tôn đức rạng sang tiền nhân” (Tạm dịch: “Hồng phúc của tổ tiên còn lưu mãi về sau/ Đức sáng của con cái còn sáng với người trước”).

Hàng năm, con cháu trong dòng họ tổ chức ngày giỗ của ông vào ngày 14/6 âm lịch. Thái Kính với công lao to lớn của ông được lưu truyền mãi mãi muôn đời.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Văn bản mới ban hành
    PHÁT THANH PHƯỜNG ĐẬU LIÊU
    Bản đồ phường Đậu Liêu
     Liên kết website
    Thống kê: 240.284
    Online: 6