Đền Đô Đài thờ Bùi Cầm Hổ được xây dựng trên núi Bạch Tỵ, phía Tây dãy Ngàn Hống, thuộc địa phận làng Kẻ Treo - Độ Liêu, huyện Thiên Lộc, nay là phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh.

Bùi Cẩm Hổ (1390 - 1483), là con trai thứ ba của cụ Bùi Tôn Đường, sinh cơ lập nghiệp tại chân núi Bạch Tỵ, xã Độ Liêu (nay là phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh). Ông nội là quan Giám vận triều Trần, sống vào khoảng giữa thế kỷ XIV, quê ở xã Cổ Phí, huyện Kim Thành, phủ Kinh Môn (nay thuộc tỉnh Hải Dương); phụ trách vận chuyển quân lương phục vụ cuộc Nam chinh do vua Trần chỉ huy. Khi đoàn thuyền đến bến Làng Cạng (bến đò Cài), cụ đã kết hôn với một phụ nữ người làng Kẻ Cài, xã Kiệt Thạch, huyện Thiên Lộc (Hà Tĩnh). Sau đó, cụ ở lại quê vợ sinh sống.

Theo tư liệu của dòng họ, Bùi Cầm Hổ sinh ra có tướng mạo khác thường, mắt sáng, da đen. Khi Bạch Thái Bà trở dạ có nghe tiếng hổ gầm quanh nhà cùng một luồng hồng vận với mùi thơm lạ. Ông Tôn Đường sang chùa Đại Hùng thỉnh cầu nhà sư, được bảo là điềm lành “Thiên nhạc giáng Thần”, lấy làm mừng và nhân đó đặt tên con trai với nghĩa là: họ Bùi bắt được hổ. Cậu bé Hổ chóng lớn, sáng dạ, là một học trò văn hay, chữ tốt, nhanh nhẹn, thông minh, khẳng khái hơn người. Bùi Cầm Hổ được cha mẹ đặt kỳ vọng, cho ra Kinh thành Thăng Long theo học, với mong mỏi sẽ giành khoa bảng. Không phụ lòng cha mẹ, Ông gắng công học tập và trở nên nổi tiếng khắp chốn kinh kỳ, không chỉ là người thông làu kinh sử mà còn rất am hiểu về kiến thức thực tế nên được nhiều môn sinh mến mộ.

 Tương truyền, một hôm, Bùi Cầm Hổ cùng các bạn đi qua Dinh quan Ngự sử, nghe xôn xao về vụ án “Vợ giết chồng” vừa mới xử xong. Dân tình nói rằng người vợ vì thương chồng mà mắc tội. Chị ta thấy chồng đi xa lâu ngày mới về, đã mua lươn nấu cháo cho chồng ăn, người chồng ăn xong thì lăn ra chết. Thế là chị ta mắc tội giết chồng. Có lẽ cảm nhận được tình tiết của nỗi oan trái này, Bùi Cầm Hổ tranh luận cùng các bạn và nói: “Nếu các quan tòa cho ta xử lại vụ án này, ta sẽ xử được ngay”. Lời nói đó đến tai quan tòa. Các quan vẫn còn phân vân khi định tội, vì vậy các quan đã giao cho Bùi Cầm Hổ xem xét. Bùi Cầm Hổ bắt tay dựng lại hiện trường vụ án, trong 7 ngày đêm cho người đi các chợ mua gom tất cả lươn về, nấu một nồi cháo lươn cho một tử tù ăn, tử tù chết. Bằng hiểu biết từ thực tế, Bùi Cầm Hổ cho mọi người hay rằng có một loại rắn độc rất giống lươn nhưng có sọc đen, khi bò thường ngóc đầu lên, thường lẫn vào lươn mà khó phân biệt, cả người bán và người mua đều bị nhầm, kết quả là sẽ ra nồi “cháo lươn” thì thành ra nồi “cháo có rắn độc” mới gây nên chết người. Các quan chấp nhận việc xét xử của Bùi Cầm Hổ, giảm tội chết cho người vợ, tâu vua trọng thưởng. Nhân dân thì nức lòng khen anh học trò thông minh, dũng lược.

Bình Định vương Lê Lợi mới lên ngôi vua ban chiếu cầu hiền tài, thấy tấu trình về anh học trò dám cả gan xin xử lại vụ án giết người mà đã xử được, liền vời Bùi Cầm Hổ vào triều trọng thưởng và ban cho chức quan Ngự sử.

 Như vậy, Bùi Cầm Hổ được làm quan mà không qua con đường thi cử. Ông đã mở đầu bước đường tiến thân bằng một sự việc hết sức ngẫu nhiên, nhưng lại thể hiện rất rõ tài trí thông minh, suy xét thấu tình đạt lý, sâu đậm tình người. Ông làm quan 30 năm dưới 3 triều vua đầu thời Hậu Lê (Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông), 2 lần đi sứ sang nhà Minh, có lần đi dẹp loạn ở biên giới và đi thị sát ở châu xa và hơn 2 năm rưỡi trấn thủ ở Lạng Sơn. Việc nào Ông cũng làm tròn bằng thực tài, bằng sự trung thực và ngay thẳng, một lòng phò vua, giúp trị nước, giữ nghiêm phép tắc.

 Bùi Cầm Hổ làm quan Ngự sử dưới đời Vua Lê Thái Tổ, làm Ngự sử trung thừa đời vua Lê Thái Tông, đến đời vua Lê Nhân Tông lại kiêm thêm chức Đồng tri Tây đạo, rồi thăng Tham tri chính sự. Ông luôn bày tỏ chính kiến rõ ràng, xét xử sáng suốt công minh, có lòng nhân đạo, không xu nịnh, không sợ quyền thế. Tính cương trực, ngay thẳng và sự thông minh tài trí của Ông gây được sự tin cậy ở nhà vua, là một vị quan có uy tín trong triều đình. Những năm đầu triều Lê Sơ còn nhiều lộn xộn, các quan ngay gian lẫn lộn. vua Lê Thái Tổ mắc mưu gian thần, bắt xử tội nhiều quan thanh, tướng giỏi, như với Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Trãi, Phạm Văn Xảo, … Nhưng nhà vua vẫn tin theo lời phân định của quan Ngự sử Bùi Cầm Hổ. Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí dành một trang viết về Bùi Cầm Hổ, nêu rõ “Ông cứng cỏi ngay thẳng, bạo nói, không sợ quyền thế”.

 Bùi Cầm Hổ cũng có nhiều công lao trong hoạt động ngoại giao, trong hai lần sang sứ nhà Minh và những năm trấn thủ ở Lạng Sơn. Năm Quý Sửu, 1433 Lê Thái Tổ sai Ông cùng Trần Thuấn Du và Nguyễn Khả Chi đi sứ sang nhà Minh với trọng trách giữ mối hòa hoãn dài Trần Thuấn Du lâu giữa hai nước. Với tài ứng phó và vóc tướng uy nghiêm của Ông, vua nhà Minh phải tôn trọng đoàn sứ bộ của nước Nam, và cũng nể vì khi Ông khảng khái cự tuyệt lời mua chuộc của nhà Minh. Thời gian 2 năm 7 tháng làm An phủ sứ Lạng Sơn, Bùi Cầm Hổ đã góp phần quan trọng vào việc giữ hòa hiếu giữa hai nước, vùng biên giới được yên ổn.

Bùi Cầm Hổ còn có nhiều công lao với quê hương làng xóm. Khi 70 tuổi, Ông xin nghỉ việc triều đình, lui về xã Độ Liêu. Quê ông còn có tên Nôm là Kẻ Treo, hơi nắng một chút là đồng khô hạn, đất rộng mà dân vẫn nghèo. Ông thấy ngay nguyên nhân đói kém của dân trong vùng, là do thiếu nước làm ruộng, liền cất công đi tìm cách khơi nguồn nước cho dân. Ông chỉ đạo dân làng đắp một bờ đá chắn dòng Thác Bạc và đào một khe sâu dẫn nước theo dọc suốt cánh đồng. Nhờ đó cả một vùng rộng lớn đã có nước, đồng ruộng lúa, khoai tươi tốt. Đời sống nhân dân trong vùng ngày thêm no đủ, vui mừng vì được mùa liên tiếp. Kẻ Treo trở nên trù phú, dân làng dựng Nhà Trò cạnh khe nước, mở hội hát trò vui cả tổng. Có lẽ đây là công trình thuỷ lợi đầu tiên ở đất Nghệ An - Hà Tĩnh, do đó giá trị và ý nghĩa về công lao của Ông Bùi Cầm Hổ lại càng to lớn.

Với những công lao phụng sự cả ba triều vua và đóng góp cho dân, Bùi Cầm Hổ đã được nhiều vị vua nêu công, được sử sách ghi lại với những lời kính trọng, đặc biệt là được nhân dân bao đời ghi sâu công đức và truyền tụng các sự tích.

 Năm Kỷ Hợi - 1479, Vua Lê Thánh Tông ra sắc dụ: “Ngự sử công thực là đại thần trung liệt, đã đùm bọc và nuôi dưỡng Tiên đế ta từ thuở ấu thơ, nay được đèn trời soi tỏ, đức hạnh của Người sáng như sao Khuê, từ nay huynh vương được đặc ân mang họ Bùi để mãi mãi tỏ rõ lòng ân quốc tính của Tiên đế đối với dòng dõi người oan khuất” (Huynh vương là anh của Vua Lê Thái Tông, tên là Lê Khắc Xương, con trai thứ hai của vua Lê Thái Tông với bà Bùi Quý Phi - con gái của quan Ngự sử Bùi Cầm Hổ). Các vị vua sau này, vào các niên hiệu Cảnh Hưng, Cảnh Thịnh, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái, Khải Định đều có đạo sắc phong ghi công lao của quan Ngự sử Bùi Cầm Hổ. Sắc của vua Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng thứ 34 (năm 1773) gia phong Bùi Tướng công là “Bỉnh quân hồng trạch hoằng liệt phủ quốc hiển linh Thuỳ huống Đại vương”.

Nhà bác học Lê Quý Đôn viết “Bùi Cẩm Hồ bàn luật trung thực chính đáng, phong độ đẹp đẽ, không những giúp vua tiến lên con đường đạo đức, mà đến bọn công thần võ tướng cũng đều nể sợ không dám làm càn”. Nhà sử học Phan Huy Chú thì viết: “Bùi Cầm Hổ là một danh thần sáng giá của ba đời Hậu Lê”.

Nhân dân địa phương biết ơn Bùi Cầm Hổ. Khi Ông mất lúc 93 tuổi, nhân dân đã lập đền thờ ở dưới chân núi Bạch Tỵ, gọi là đền quan Đô đài. Triều đình phong Ông là Thượng đẳng phúc thần. Năm 1992 đền thờ của Ông được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia.

Hàng năm cứ vào ngày 12 tháng Giêng, Cấp ủy, Chính quyền, MTTQ, nhân dân Đậu Liêu và các vùng phụ cận, cùng với con cháu hậu duệ họ Bùi ở các miền về tế lễ ở Điện Đô đài, làm lễ Báo Ân tưởng nhớ công ơn của quan Ngự sử Bùi Cầm Hổ. Danh thơm của Ngài còn lưu mãi với hậu thế./.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin cùng chuyên mục

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Văn bản mới ban hành
      PHÁT THANH PHƯỜNG ĐẬU LIÊU
      Bản đồ phường Đậu Liêu
       Liên kết website
      Thống kê: 339.887
      Online: 36