Đền Đông Xá (phường Đậu Liêu, TX Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa không chỉ là sự tôn vinh những nhân vật lịch sử của đất nước mà còn là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng.

Đền Đông Xá không rõ được khởi dựng từ năm nào, nhưng từ thế kỷ XVIII đền đã uy nghi tồn tại ở vùng đất này. Đến thời nhà Nguyễn đã nhiều lần ban cấp sắc phong cho “phụng thờ như trước”. Theo tư liệu sắc phong còn giữ lại ở đền cho biết, đền làng Đông Xá là nơi thờ tự 2 vị thần có vị hiệu là: Hiển liệt Cao danh Đôn hậu Đoan túc Dực bảo Trung hưng Đô Nam nhạc Ô Trà sơn Linh thông Trấn quốc chi thần - tức Võ Sùng Ban; Đoan túc Dực bảo Trung hưng Thượng trụ Cương quốc Công chi thần tức là Nguyễn Xí và Võ Mục đại vương Lê Khôi. Cụ thể là:

Thứ nhất, theo tài liệu ghi chép, Đô Nam nhạc Ô Trà Sơn chính là ông Võ Sùng Ban - một quan võ dưới triều nhà Lý (thế kỷ XI).

Võ Sùng Ban ngay từ nhỏ vốn là cậu bé thông minh, 8 tuổi đã biết đọc sách làm văn, lớn lên thích võ nghệ. Năm 18 tuổi ông đã được bổ nhiệm làm quan. Dưới triều Lý Nhân Tông, Võ Sùng Ban làm đến chức Điện tiền tướng quân, có công lớn trong việc cầm quân đánh giặc Chiêm Thành, mở mang bờ cõi. Trong một lần cầm quân nơi chiến trận, ông bị trọng thương, trên đường trở về đến đoạn Hoàng Giang (tức sông Hạ Vàng) dưới chân núi Hồng Lĩnh thì ông bị mất. Triều vua nhà Lý đã có sắc chỉ phong ông là Đô Nam nhạc Ô Trà Sơn Đại Vương, ra chỉ dụ giao cho nhân dân vùng Tổng nội Ngoại Thiên Lộc (nay là xã Thuần Thiện và xã Thiên Lộc huyện Can Lộc) – nơi ông đóng quân lập đền thờ tự và được phong thần bảo hộ của làng.

Thứ hai, Đền Đông Xá thờ Thần Thượng trụ Cương quốc Công Nguyễn Xí:

Nguyễn Xí sinh năm 1397 ở làng Thượng Xá, huyện Chân Phúc, nay là xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ an. Ông là người có công lớn trong việc đánh tan quân Minh, giúp vua Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, là một trong những vị khai quốc công thần triều Lê.

Trong cuộc đời làm quan của mình, Nguyễn Xí đã phụng sự 4 triều đại vua Lê: Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông và đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng của triều đình lúc bấy giờ.

Năm 1418, Lê Lợi xưng Bình Định Vương phát động khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Xí cùng tham gia, lúc ông 22 tuổi.

Năm 1428, Nguyễn Xí được phong chức Long hổ tướng quân suy trung bảo chính công thần.

Năm 1429, khi khắc biển công thần ông được xếp hàng thứ 5, được phong hàm Huyện Hầu.

Năm 1437, đời vua Lê Thái Tông, ông làm chức quan chính sự kiêm Tri từ tụng.

Năm 1442, vua Lê Thái Tông mất, ông cùng Trịnh Khả, Lê Thụ nhận di chiếu phò vua Lê Nhân Tông.

Tháng 6, 1460, Nguyễn Xí được phong làm khai phủ nghi đồng tam ty, nhập nội kiểm hiệu thái phó Bình chương quân quốc trọng sự Á quận hầu, giúp việc chính sự. Tháng 10 năm đó, ông được phong làm Sái quận công.

Năm 1462, ông được phong chức Nhập nội hữu tướng quốc. Năm 1463 lại được phong chức thái úy.

Năm 1465, sau khi Nguyễn Xí qua đời, nhà vua vô cùng thương tiếc đã truy tặng Nguyễn Xí tước “Thái Sư Cương Quốc Công, đặc ai khai quốc, Thụy Vũ vụ”. Thi hài của ông được nhà vua cho bảo quản ở Điện Kính Thiên và tổ chức lễ tang theo nghi lễ như một quân vương, sau đó di chuyển linh cửu về quê nhà nay là xã Nghi Hợp mai táng và giao cho con cháu dòng họ và nhân dân quê nhà lập đền thờ phụng, khắc văn bia tưởng nhớ muôn đời.

Năm Hồng Đức thứ 15 (1484) tặng làm  Cương quốc công , sau phong Phúc thần, dựng đền ở xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Năm 1990 đền được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Theo “Đại Việt thông sử” ông có 16 người con trai, 8 người con gái. Con cháu Nguyễn Xí về sau theo giúp nhà Lê trung hưng.

Trên vùng đất Hà Tĩnh quê hương Nguyễn Xí, có rất nhiều nơi lập đền thờ Thượng trụ Cương quốc công Nguyễn Xí để tỏ lòng ngưỡng mộ ơn sâu. Sau khi ông mất, tại quê hương ông – làng cũ Động Gián, con cháu thân tộc và nhân dân lập đền thờ và được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 2006. Ngoài ra các vùng lân cận cũng nhiều nơi lập đền thờ vọng ông, đền Đông Xá, phường Đậu Liêu chúng ta là một trong số đó.

Thứ ba, bên cạnh đền chính, ta còn thấy một ngôi miếu nhỏ, nhân dân quen gọi là miếu thờ Đức Thánh Hai - tức Võ mục Đại Vương Lê Khôi:

Lê Khôi (? – 1446), tên thụy là Vũ Mục, công thần khai quốc nhà Lê Sơ. Ông là con trai của Lê Trừ- anh thứ hai của Lê Lợi, tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, lập nhiều công lao. Lê Thái Tổ lên ngôi phong cho là Kỳ Lâm Hổ Vệ tướng quân, hàm nhập nội thiếu úy, tước Đình Thượng hầu. Lê Khôi được điều làm trấn thủ Hóa châu, nhiều lần tham gia đánh Chiêm Thành, lập nhiều chiến tích.

Sách An Tĩnh Cổ Lục chép: “Sau một cuộc viễn chinh thắng lớn trở về, Lê Khôi rời thuyền lên bộ dưới chân núi Long Kim và chết một cách đột ngột (1477). Chính nơi đó người ta đã dựng đền thờ.

Năm thứ 4 niên hiệu Quang Thuận (1463), vua Lê Thánh Tôn ra lệnh cho công bộ Thượng Thư Nguyễn Hữu Độ dựng bia kỷ niệm người Bác của mình và sai Bộ Lễ tổ chức lễ lớn vào ngày mất của vị anh hùng ấy. Thêm vào đó, Thánh Tôn có sắc phong tặng vị này được đứng trong các thần hộ quốc với hàm Võ Mục Đại Vương. Năm thứ 7, niên hiệu Dương Hòa, triều vua Lê Hiển Tôn, Bộ Lễ tâu vua biết cần phải cho dời đền đến một nơi khác vì những cơn thịnh nộ của sóng gió thường làm cho việc thờ cúng khó thực hiện. Vua sai dựng một ngôi đền khác ở Triều Khẩu. Tương truyền, trên đường rước linh vị của ngài từ đền Cửa Sót ra Triều Khẩu, đoàn tùy tùng rước linh vị đã dừng chân tại ngôi đền Đông Xá để nghỉ ngơi, đồng thời lập đàn để nhân dân được thắp hương hành lễ với ngài. Trên cơ sở đó, nhân dân dựng thêm ngôi đền nhỏ bên cạnh đền chính để thờ Ngài.

Theo truyền ngôn của các cụ cao niên: ngôi đền xưa nay vốn rất linh thiêng, đối với nhân dân Đông Xá và vùng phụ cận luôn được thần chở che bảo vệ, mỗi khi con em bản xứ cầu đảo thường được linh ứng. Bởi vậy, nhân dân luôn có một niềm tin nhờ uy lực của thần đã trợ giúp, nâng đỡ người dân lúc hoạn nạn, khó khăn.

Trải qua biến thiên lịch sử, chiến tranh và sự khắc nghiệt của thời tiết, ngôi đền nhiều lần hư hỏng và trở thành phế tích.

Thời nhà Nguyễn, đền được xây dựng khang trang, đẹp đẽ và uy dưới chân núi Hồng Lĩnh. Năm 1942, vùng núi Hồng Lĩnh phía sau đền bị cháy, kéo theo ngôi đền cũng bị tàn rụi và trở thành phế tích. Các đồ tế khí, sắc phong của đền bị phân tán, một số sắc phong còn lại được hợp tự về cất giữ ở đền Đô đài Ngự sử Bùi Cầm Hổ. Năm 2007, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhân dân Đậu Liêu đã đóng góp nhân tài vật lực, quyết tâm đồng lòng phục dựng lại ngôi đền thiêng trên nền móng cũ. Hiện nay vẫn còn 4 viên đá tảng (đá lớn kê chân cột đền) và hai cột nanh cũ đã được tôn tạo lại.

Trong những năm qua, công tác trùng tu, tôn tạo di tích đã được nhân dân, các nhà hảo tâm quan tâm đã đóng góp xây dựng ngôi đền ngày càng khang trang.

Đền Đông Xá được xây dựng dưới chân núi Hồng, thế đất rất đẹp. Ngôi Đền là nơi thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta trong việc ghi nhớ công ơn các danh nhân có nhiều đóng góp cho quê hương nơi giáo dục truyền thống và lòng tự hào dân tộc. Với những giá trị lịch sử, văn hoá của di tích, năm 2019, UBND phường đã lập tờ trình đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh công nhận. Tháng 2 năm 2020, Đền Đông Xá đã được xếp hạng di tích văn hóa cấp Tỉnh./.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Văn bản mới ban hành
    PHÁT THANH PHƯỜNG ĐẬU LIÊU
    Bản đồ phường Đậu Liêu
     Liên kết website
    Thống kê: 301.108
    Online: 12