1. Sơ lược về  khu di tích lịch sử Đại Hùng.

Khu Di tích Đại Hùng bao gồm: Chùa Đại Hùng và Đền thờ Thủy tổ Kinh Dương Vương cùng các bậc Vua Hùng (tiếng địa phương gọi là Đền Cao) để tưởng nhớ công ơn của vị Thủy tổ của muôn dân bách Việt.

Cách thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An 20 km đi về phía Nam theo đường Nguyễn Ái Quốc (Quốc lộ 1A cũ) đến ngã tư trung tâm Thị xã Hồng Lĩnh thì rẽ trái theo đường Nguyễn Nghiễm (Quốc lộ 8A) khoảng 1,2 km; hoặc từ tỉnh lỵ Hà Tĩnh theo Quốc lộ 1A đi ra phía bắc khoảng 27 km đến địa phận thị xã Hồng Lĩnh, gặp đường Bùi Cầm Hổ (Quốc lộ 1A mới) đi chừng 1 km gặp ngã ba thì tiếp tục rẽ trái khoảng 700m, sẽ gặp biển chỉ dẫn  vào di tích lịch sử - văn hóa Đại Hùng (gồm Chùa Đại Hùng, Đền thờ Thủy tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng). Được xây dựng trên mái núi Mồng Gà (một trong 99 ngọn núi thuộc dãy Hồng Lĩnh huyền thoại), thuộc tổ dân phố 7 - phường Đậu Liêu - thị xã Hồng Lĩnh. Đây là một trong những khu Di tích đặc biệt có sự dung hòa giữa tín ngưỡng dân gian và tôn giáo (Phật giáo);

* Chùa Đại Hùng:

Theo sử cũ chép lại Đại Hùng là một trong 4 ngôi cổ tự được các bậc tiền nhân khởi dựng trên vùng đất Hồng Lĩnh, bao gồm: Thiên Tượng, Long Đàm, Đại Hùng, Cực Lạc; được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ XIV, đời Nhà Trần. Với khoảng cách địa lý được phân bổ đều nhau, khi tiếng chùa này thỉnh sẽ vọng đến chùa kia và ngược lại; cả 4 ngôi chùa trên đều có phong cảnh nên thơ, tĩnh mịch và được xem là linh thiêng của vùng đất xứ Nghệ.

Chùa được dựng trên mái núi ở độ cao khoảng 150m so với mục nước biển. Du khách có thể đi bộ khoảng 200 theo con đường được ghép bằng đá từ chân núi đi lên sẽ gặp một số hạng mục như: Miếu Cô Chín, tượng Quan Âm, Nhà tổ, nhà Thánh Mẫu, nhà Hạ Điện, Nhà Tam bảo. Theo các vị cao niên trong vùng thì đây là một trong những ngôi chùa được xây dựng khá bề thế; tuy vậy, trải qua hàng trăm năm với sự khắc nghiệt của thời tiết, sự biến động của lịch sử và sự vô tâm của con người, nhất là thời kỳ thoái trào của Phật giáo; vì vậy, đa số các hạng mục của di tích ở đây đều bị ảnh hưởng, thậm chí có nhiều hạng mục đã trở thành phế tích. Với ý thức tâm linh, tinh thần bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa, Chính quyền địa phương phường Đậu Liêu, Ban quản lý di tích và Sư trụ trì đã cùng với các tín đồ Phật tử ở khắp nơi đã đóng góp nhiều công sức, kinh phí nâng cấp, tôn tạo. Hiện nay, một số hạng mục đang được đầu tư trùng tu, tôn tạo như Ngôi tam Bảo, nhà bái, nhà tăng khách... Đặc biệt trong các cổ vật có giá trị được lưu giữ ở đây thì quý nhất đó là quả chuông cao trên 1m, nặng khoảng 200kg, được chạm trổ tinh xảo và có khắc tên “Đại Hùng Tự Chung”, qua nội dung bài minh chuông cho chúng ta thấy chuông được đúc vào năm thứ 7, niên hiệu Cảnh Thịnh (1793 – 1807).

Có lẽ điểm đặc biệt lớn nhất của chùa Đại Hùng so với các ngôi chùa khác trên địa bàn Hà Tĩnh là ở chổ chùa không chỉ là nơi để các phật tử thực hành nghi lễ tôn giáo, mà ở đây còn là sự dung hòa, giao thoa giữa tôn giáo và tín ngưỡng. Với quan niệm “đất của Vua, chùa của làng” nên hàng năm cứ đến dịp lễ húy kỵ đức Thủy tổ Kinh Dương Vương (18/1 ÂL) và Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 ÂL) thì bà con Phật tử hòa cùng nhân dân trong và ngoài tỉnh đến dâng hương, tụng kinh niệm Phật để tưởng niệm Thủy tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng trước khi tổ chức lễ hội tại đền thờ của các vị.

* Đền thờ Thủy tổ Kinh Dương Vương và các bậc Vua Hùng.

Nằm trong khuôn viên của khu Di tích là các hạng mục của Đền thờ Thủy tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng. Theo sử liệu, cũng như các tư liệu truyền ngôn thì Đền thờ Thủy Tổ và các bậc vua Hùng được nhân dân xây dựng cùng thời kỳ với chùa Đại Hùng (khoảng vào thế kỷ XIV) trên mái núi phía Bắc thuộc đỉnh Mồng Gà, cách chùa hạ khoảng 1 km, với độ cao trên 300m so với mực nước biển, nơi đây cây cối tự nhiên xanh tươi, có nguồn nước mát chảy ra từ trong các mạch nguồn của đá tạo nên giếng nước mát lành, Nhân dân ở đây gọi là giếng Ngọc; tương truyền đây là mạch nước thần có thể chữa bá bệnh, cho nên đến các ngày lễ nhân dân thường dâng hương tại đền để xin nước uống. Từ vị trí của Đền có thể nhìn bao quát cả một vùng rộng lớn, những ngày đẹp trời khi nhìn ra hướng đông du khách có thể thấy từ xa xa nước biển trong xanh, với những con thuyền bé nhỏ đang lướt trên sóng khơi hùng vĩ.

Theo lời kể của các cụ cao niên trong vùng thì đây là ngôi Đền lớn nhất của cả Tổng Độ Liêu xưa kia, việc này được chứng minh bởi những phiến đá kê cột (tiếng địa phương gọi là đá táng) có chu vi rất lớn, cũng như khuôn viên của các nền móng còn sót lại. Tuy vậy, cũng như các di tích khác đến nay Đền cũ hầu như bị phế tích hoàn toàn. Vì vậy, để có nơi thờ tự Nhân dân đã lập tạm ngôi đền nhỏ khoảng 40m2 để có nơi hương khói và tổ chức lễ hội hằng năm. Trong những năm qua, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đóng góp của bà con xa quê, của các nhà hảo tâm, của các doanh nghiệp, doanh nhân và bà con Nhân dân, Phật tử xa gần, đến nay đền đang được lập các hạng mục để trùng tu, tôn tạo trên nền móng cũ.

2. Lễ hội truyền thống Húy kị Đức Thủy Tổ Kinh Dương Vương và giổ Quốc tổ Hùng Vương hàng năm tại Khu di tích Lịch sử Đại Hùng.

Hàng năm tại Khu di tích Đại Hùng được tổ chức khá nhiều lễ hội, song có hai lễ hội chính, đó là: Lễ húy kị đức Thủy tổ Kinh Dương Vương vào ngày 18/1 ÂL và Đại lễ giổ Quốc tổ Hùng Vương ngày 10/3 ÂL.

Trước đây lễ hội là sự tự phát của Nhân dân, trong thời kỳ chống Pháp, rồi chống Mỹ cứu nước cũng là thời điểm mà Khu Di tích Đại Hùng hoàn toàn bị phế tích nên Lễ hội cũng trở nên thoái trào, đến các ngày lễ chỉ còn một số nhân dân, Phật tử lân cận đến dâng hương tưởng niệm. Vào những năm 80, 90 của Thế kỷ trước Nhân dân trong vùng góp công sức, tiền của khôi phục dần từng hạng mục nên từ đó Lễ hội cũng dần được sưu tầm, phục dựng. Đến năm 2010 do lượng du khách, phật tử đến với lễ hội ngày càng đông, trước trước thực trạng về công tác quản lý Nhà nước đặt ra nên UBND phường Đậu Liêu đã thành lập Ban tổ chức, xây dựng kịch bản, lập kế hoạch tổ chức và quản lý lễ hội. Đến năm 2012 nhân kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập thị xã Hồng Lĩnh, được sự nhất trí của sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; cấp ủy, Chính quyền thị xã đã nâng cấp lễ hội chính thức trở thành Cấp Thị xã.

Những năm gần đây vào dịp tổ chức lễ hội, nhất là dịp Giổ Quốc tổ Hùng Vương (10/3), hàng vạn bà con Nhân dân, Phật tử khắp các tỉnh, thành phụ cận tập trung về dâng hương, bái Tổ và dự Đại lễ Giổ Quốc tổ do UBND thị xã và Ban quản lý di tích phối hợp tổ chức. Các lễ vật mà mọi người đưa đến để dâng lên ngày giỗ của các Vua Hùng chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp làm ra như: Bánh Chưng, bánh Tét, hoa, quả, và các sản vật của địa phương. Đại lễ thường diễn ra nhiều ngày, với nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, trò chơi dân gian đặc sắc gắn với các chương trình lễ rước, lễ tế truyền thống và nghi lễ nhà nước. Đây là niềm tự hào của Nhân dân thị xã Hồng Lĩnh nói riêng và của tỉnh Hà Tĩnh nói chung.

Ngày Giỗ Thủy Tổ và Quốc Tổ thực sự trở thành biểu tượng của giá trị văn hóa, tinh thần vô cùng sâu sắc và độc đáo của dân tộc Việt Nam, thể hiện niềm tự hào, sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân và truyền thống uống nước nhớ nguồn, góp phần làm nên sức mạnh dân tộc trong tiến trình dựng nước và giữ nước. Những bài học quý báu của tổ tiên, của thời đại  Kinh Dương Vương đến các Vua Hùng cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó là bài học toàn dân đoàn kết, cả nước một lòng cùng nhau xây dựng một xã hội bình đẳng, bác ái, nghĩa đồng bào trong sáng, thiêng liêng, sống thủy chung thân ái, cần cù, thông minh sáng tạo và kiên cường đấu tranh chinh phục thiên nhiên, tự lực tự cường và tự tôn dân tộc mạnh mẽ. Đó cũng chính là bài học: Dựng nước phải đi đôi với giữ nước, khi có họa ngoại xâm thì cả nước cùng đánh giặc; là bài học kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa, lối sống, thuần phong mỹ tục của người Việt Nam... Những điều đó đã tạo nên giá trị văn hóa mới trên cơ sở phát huy bản sắc tốt đẹp của dân tộc, đồng thời kết hợp với tinh hoa của thời đại, luôn được nhân dân nơi đây xem là một sự kiện văn hóa quan trọng, là biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là sự hội tụ nhiều chiều giữa quá khứ và hiện tại, giữa quá khứ và tương lai, giữa hiện tại với tương lai, thể hiện triết lý nhân sinh quan và tín ngưỡng thờ tự của người Việt. Lễ hội Giổ Thủy tổ và Quốc tổ còn là dịp để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tỉnh Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh và Nhân dân xa gần nguyện một lòng khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Đến nay, Khu di tích Lịch sử văn hóa Đại Hùng đã và đang tập trung cao độ phấn đấu hoàn thành cơ bản công tác quy hoạch tổng thể. Ban quản lý di tích và Thầy trụ trì đã và đang huy động các nguồn lực để từng bước đầu tư các hạng mục xây dựng như chùa Hạ, chùa Thượng, nhà thờ Tổ sư, đường giao thông, xây dựng Kinh đô Ngàn Hống để thờ Thủy Tổ Kinh Dương Vương - Quốc mẫu Thần Long, Thờ Lạc Long Quân - Âu cơ và các Vua Hùng, xây dựng trung tâm tổ chức Lễ hội.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Văn bản mới ban hành
    PHÁT THANH PHƯỜNG ĐẬU LIÊU
    Bản đồ phường Đậu Liêu
     Liên kết website
    Thống kê: 301.104
    Online: 14