Thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế thương mại toàn cầu. Thanh toán không dùng tiền mặt đã và đang góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, hướng đến tiêu dùng văn minh, hiện đại.
Dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt bao gồm dịch vụ thanh toán qua tài khoản thanh toán và một số dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng. Thanh toán không dùng tiền mặt là hình thức thanh toán sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử ứng dụng công nghệ số như: Ví điện tử, MobileBanking, InternetBanking... hoặc thanh toán gián tiếp thông qua các tổ chức tín dụng thay việc người mua và người bán trực tiếp trao đổi với nhau như thông lệ hiện nay. Người dân có thể dễ dàng thanh toán khi mua hàng hóa, dịch vụ, thanh toán hóa đơn tiền điện, nước, học phí, viện phí, thanh toán thủ tục hành chính... trên thiết bị di động hoặc trên máy tính có kết nối Internet. Bản chất của hình thức thanh toán không dùng tiền mặt chính là hạn chế lượng tiền mặt trong lưu thông hàng hóa, giảm thiểu chi phí xã hội, mở rộng không gian, rút ngắn thời gian cho quá trình bán và mua hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế. Thay vào đó là việc phát triển các dịch vụ chuyên nghiệp về thu chi, thẻ ngân hàng, thanh toán trực tuyến, thanh toán điện tử mà không làm thay đổi giá trị tiền mặt quy đổi. Thanh toán không dùng tiền mặt góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, tiện lợi, tạo sự minh bạch trong các khoản chi tiêu, giao dịch, chuyển đổi với tiền của nước khác hay giúp đỡ người thân từ xa.
Từ nhiều năm nay, ngành ngân hàng rất chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng và công nghệ cho phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán ngày càng tăng của xã hội và thích ứng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Các công nghệ mới, hiện đại trong thanh toán như việc áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sử dụng mã phản hồi nhanh (QRCode), mã hóa thông tin thẻ, thanh toán phi tiếp xúc,... được các ngân hàng nghiên cứu, hợp tác và ứng dụng. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước còn cấp phép hoạt động cho các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Thanh toán không dùng tiền mặt có độ an toàn cao; quản lý chi tiêu dễ dàng; nhanh hơn, chính xác hơn so với việc sử dụng tiền mặt trong việc kiểm, đếm; phía cơ quan quản lý nhà nước không phát sinh thêm chi phí in ấn; khách hàng có thể tận dụng được các chương trình khuyến mãi, tích điểm…
Chính phủ xác định 3 mục tiêu tổng quát phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025:
1. Tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế với mức tăng trưởng cao, đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt.
2. Ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của CMCN 4.0 để nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu thanh toán một cách thuận tiện, hiệu quả của tổ chức, cá nhân.
3. Đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng và hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước, minh bạch hoá các giao dịch thanh toán trong nền kinh tế, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tội phạm kinh tế, phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Khuyến khích người dân trên địa bàn phường tích cực hưởng ứng tham gia thanh toán không dùng tiền mặt; các hoạt động kinh doanh trên các tuyến phố thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, hướng tới hình thành các tuyến phố văn minh, hiện đại, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của địa phương.
Mỗi người dân, hãy đăng ký và sử dụng ngay dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt để từng bước trở thành công dân số./.