“Bộ não số” trong điều hành, chỉ đạo
Trung tâm điều hành và giám sát thông minh tỉnh Hà Tĩnh (IOC Hà Tĩnh) là hệ thống cung cấp cho lãnh đạo chính quyền cách nhìn toàn diện, tập trung về các hoạt động kinh tế - xã hội (KT-XH) đang tiếp diễn, thực hiện giám sát và quản lý chất lượng dịch vụ một cách tổng thể; cho phép phân tích dữ liệu lớn, hỗ trợ ra quyết định, xây dựng phương án tổ chức, quy chế, chính sách điều hành với các tình huống cụ thể.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh ấn nút ra mắt Hệ thống Giám sát và điều hành thông minh (ngày 7/9/2021).
Ông Trần Danh Việt – Giám đốc Viễn Thông Hà Tĩnh (đơn vị xây dựng, thiết kế phần mềm hệ thống) cho biết: IOC Hà Tĩnh hiện đã xây dựng được 7 phân hệ quản lý dữ liệu thống kê bao gồm: Giám sát, báo cáo, thống kê các chỉ tiêu KT-XH; Quản lý dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử; Quản lý văn bản và điều hành trực tuyến; Quản lý Y tế; Quản lý Giáo dục và Đào tạo; Quản lý Du lịch thông minh và lưu trú và Camera giám sát thông minh. Các dữ liệu phục vụ cho các phân hệ này là những “số liệu gốc” được cập nhật từ các sở, ngành, địa phương.
IOC Hà Tĩnh hiện đã xây dựng được 7 phân hệ.
“Hệ thống sẽ cung cấp cho lãnh đạo thấy rõ được các xu hướng tăng/giảm, sự biến động của các chỉ tiêu KT-XH. Dữ liệu được thể hiện trực quan để nắm bắt bản chất của các số liệu đã được xác lập trong các năm trước, từ đó đưa ra nhận định cho thời gian tới. Hệ thống có khả năng đưa ra cảnh báo các yếu tố bất thường, các hoạt động không hiệu quả như nguy cơ vượt chi ngân sách, không hoàn thành thu ngân sách, chỉ số tăng trưởng kinh tế…” – ông Việt nêu dẫn chứng về phân hệ giám sát, báo cáo, thống kê các chỉ tiêu KT-XH, 1 trong 7 phân hệ đã được xây dựng.
Các phân hệ trên lĩnh vực KT-XH
Tương tự, ở các phân hệ giám sát và điều hành chỉ tiêu báo cáo, thống kê sẽ giúp lãnh đạo các cấp thấy được bức tranh tổng thể về tình hình phát triển KT-XH của địa phương với 110 chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, 40 chỉ tiêu cấp huyện và 16 chỉ tiêu cấp xã; đồng thời, hơn 80 chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về KT-XH, QP-AN phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ áp dụng cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Nguồn dữ liệu sẽ được tổng hợp tự động và từ các đơn vị cấp xã, phường lên cấp quận, huyện và các sở ngành để đảm bảo tính xuyên suốt, thống nhất toàn tỉnh.
Phân hệ Camera giám sát thông minh. Ảnh chụp màn hình.
Một trong các phân hệ quan trọng của hệ thống IOC này là phân hệ giám sát hiệu quả hoạt động của chính quyền. Theo đó, lãnh đạo tỉnh sẽ nắm sát kết quả, diễn biến giải quyết các hồ sơ, thủ tục hành chính tại các địa phương, sở ngành và mức độ hài lòng của người dân. Từ đó, có điều hành chỉ đạo xử lý kịp thời.
Cùng với các phân hệ về KT-XH, giám sát hiệu quả hoạt động của chính quyền, IOC Hà Tĩnh cũng đã đưa vào hệ thống phân hệ Camera giám sát thông minh. Đây là một trong những phân hệ quan trọng giúp lãnh đạo các cấp nắm bắt tình hình về thiên tai bão lụt, cháy rừng, an ninh trật tự để điều hành, chỉ đạo xử lý kịp thời khi có tình huống.
Nền tảng phát triển chính quyền số, đô thị thông minh
IOC thông minh được ví như “bộ não số” của các địa phương với khả năng thu thập, tích hợp dữ liệu, tạo ra một cái nhìn toàn cảnh về tỉnh, thành phố trên mọi lĩnh vực.
Đến thời điểm này, Hà Tĩnh là 1 trong 30 tỉnh/thành phố trên toàn quốc triển khai xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống này.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu cho biết: Việc đưa Hệ thống Giám sát và Điều hành thông minh vào hoạt động là một trong những mục tiêu giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025. Đặc biệt, hệ thống IOC sẽ góp phần đáp ứng yêu cầu công tác giám sát, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh trên các lĩnh vực KT-XH, phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn; đồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, tạo nền tảng cho phát triển chính quyền số, đô thị thông minh, thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ kỹ thuật VNPT Hà Tĩnh giới thiệu hoạt động hệ thống IOC Hà Tĩnh.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là những kết quả bước đầu trong giai đoạn thử nghiệm. Vì vậy, các sở ngành, đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện các tính năng, cập nhật, bổ sung, tích hợp triển khai các nền tảng quản lý dữ liệu số của các ngành, liên thông đồng bộ trong toàn tỉnh.
Ngoài 7 phân hệ đã có, thời gian tới, IOC Hà Tĩnh sẽ chú trọng và ưu tiên phát triển các phân hệ kết nối đến các cơ sở dữ liệu quốc gia như: dân cư, đất đai, tài nguyên, bảo hiểm xã hội, quản lý doanh nghiệp. Đồng thời, kết nối với các hệ thống cơ sở dữ liệu của tỉnh như: dữ liệu về an sinh xã hội, quy hoạch sử dụng đất, dữ liệu quản lý CBCCVC, phản ánh hiện trường, hệ thống phòng chống thiên tai (an toàn hồ đập, phòng chống cháy rừng…).