Trong thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại nhiều địa phương nói chung và tỉnh Hà Tĩnh nói riêng, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân. Trong đó, nổi lên là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp, có xu hướng phát triển mạnh, tăng về cả số lượng, mức độ nguy hiểm và hậu quả thiệt hại với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, xảo quyệt bằng việc sử dụng công nghệ thông tin, viễn thông làm công cụ, phương tiện phạm tội.

Quá trình hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các đối tượng thường xuyên thay đổi thông tin cá nhân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội, sử dụng tài khoản ảo, thay đổi địa bàn hoạt động, cư trú nhằm đối phó với công tác phòng ngừa, điều tra xử lý của cơ quan chức năng. Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như giả danh cơ quan thực thi pháp luật, cán bộ cơ quan nhà nước, quen biết qua mạng xã hội, lợi dụng quan hệ tình cảm, trao đổi, mua bán hàng hóa qua mạng, tin nhắn rác, tinh nhắn trúng thưởng, xin việc làm, xuất khẩu lao động, chạy dự án, vay vốn, kêu gọi đầu tư, tài trợ, đầu tư kinh doanh đa cấp, tiền ảo, thiết lập các trang mạng ngân hàng giả mạo để lấy dữ liệu thông tin khách hàng, đánh tráo hồ sơ, sử dụng giấy tờ giả mở tài khoản, giả mạo chứng từ để chuyển tiền, rút tiền, vay tiền…

Các thủ đoạn thường gặp là:

+ Các đối tượng tự xưng là nhân viên bưu điện, bưu cục… gọi điện thoại đến máy điện thoại di động thông báo cho bị hại đang nợ tiền cước điện thoại, có bưu phẩm gửi ở các bưu điện lâu ngày không đến nhận, thiếu nợ tiền ngân hàng do người khác lấy CMND đăng ký mở tài khoản ngân hàng… sau đó bị hại được nối máy đến các đối tượng mạo danh là cán bộ trong cơ quan tư pháp như: Công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện cho người dân thông báo rằng họ bị kiện vì nợ tiền hoặc có liên quan đến vụ án đang giải quyết và yêu cầu người dân chuyển một số tiền lớn vào một tài khoản do các đối tượng này cung cấp để điều tra, thủ đoạn này khiến người dân lo sợ và chuyển tiền vào tài khoản do chúng cung cấp.

+ Giả mạo thư điện tử chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng như: Thủ tướng chính phủ, Bộ y tế…. có đính kèm các file tài liệu gắn mã độc để lấy cắp thông tin cá nhân. Nội dung thư yêu cầu bị hại tải tệp đính kèm hoặc các liên kết trong thư điện tử để xem nội dung chi tiết. Khi bị hại mở tệp tin, truy cập vào các liên kết hoặc tải ứng dụng theo đường link, virus/mã độc sẽ ngay lập tức được tải tự động và cài đặt trên thiết bị cá nhân của bị hại và đánh cắp thông tin để thực hiện các giao dịch chiếm đoạt tài sản.

+ Các đối tượng mở các trang cá nhân bán hàng online để rao bán các mặt hàng thiết yếu, đang khan hiếm như: khẩu trang y tế, nước rửa tay y tế, đồ bảo hộ, phục vụ phòng, chống dịch covid-19; yêu cầu người mua hàng chuyển trước khoản tiền cọc. Sau khi nhận được tiền đặt cọc hay tiền chuyển khoản trước để đặt mua hàng, đối tượng không giao hàng hoặc giao hàng giả, kém chất lượng, sau đó khóa trang mạng của mình, bỏ số điện thoại liên lạc để xóa dấu vết và chiếm đoạt số tiền mua hàng của nạn nhân.

+ Đối tượng cài mã độc lên các website quyên góp tiền từ thiện liên quan đến dịch covid-19, khi người dân truy cập các website này sẽ bị nhiễm mã độc, bị lấy cắp thông tin cá nhân như số điện thọai; mật khẩu các tài khoản thư điện tử, mạng xã hội, mật khẩu tài khoản ngân hàng… Các đối tượng sẽ sử dụng những thông tin thu được để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.

+ Các đối tượng mạo danh các cơ quan chức năng phòng chống dịch gọi điện lấy lý do hướng dẫn nạn nhân các biện pháp phòng chống dịch bệnh, qua đó lừa nạn nhân cung cấp thông tin dịch vụ ngân hàng điện tử để đánh cắp thông tin và thực hiện giao dịch lấy cắp tiền trên tài khoản.

+ Giả danh đơn vị bán hàng gửi thông báo trúng thưởng xe máy, tiền mặt… đến người bị hại qua zalo, facebook, SMS hoặc trực tiếp gọi điện thoại cho người bị hại giả danh các đơn vị kinh doanh thông báo trúng thưởng, sau đó yêu cầu người bị hại chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của đối tượng để làm thủ tục nhận thưởng rồi chiếm đoạt.

+ Đối tượng lập ra các tài khoản facebook, zalo tự xưng là người nước ngoài, việt kiều… và làm quen, trò chuyện với người ở Việt Nam. Sau khi tạo sự thân thiết, đối tượng thông báo đã gửi quà tặng nhưng do chưa đóng thuế nên đang bị hải quan giữ. Muốn nhận được quà thì phải đóng thuế bằng cách gửi một số tiền nhất định vào tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp, khi người bị hại chuyển tiền vào tài khoản thì  bị chúng chiếm đoạt.

Để phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đề nghị nhân dân:

- Đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ cơ quan nhà nước, đặc biệt là lực lượng công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại; không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở… cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa rõ nhân thân, lai lịch của người đó.

- Người dân khi mua hàng qua mạng cần sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo, rao bán về hàng hóa, danh tính của người bán hàng, lựa chọn địa chỉ uy tín, hình thức thanh toán minh bạch. Không nên chuyển tiền cọc mua hàng khi không rõ thông tin, danh tính, địa chỉ của người bán.

- Thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội. Thường xuyên thay đổi và đảm bảo độ mạnh của mật khẩu. Không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân lên mạng xã hội

- Thận trọng khi nhận các thư điện tử, kiểm tra kỹ địa chỉ thư điện tử nhận được xem có đúng là thư của người mình quen biết gửi đến hay không, không nhấp vào liên kết hoặc mở tệp đính kèm trong thư điện tử đến từ người gửi không xác định. Chỉ mở thư điện tử hoặc tải xuống ứng dụng, phần mềm đáng tin cậy.

- Không cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng của mình cho đối tượng không quen biết. Thận trọng rà soát và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền. Đồng thời có biện pháp bảo vệ các tài khoản ngân hàng, tài khoản cá nhân để tránh bị các đối tượng lợi dụng chiếm đoạt. Tuyệt đối cảnh giác với các cuộc gọi, tin nhắn facebook, zalo..yêu cầu chuyển tiền. Cảnh giác với các tất cả các cuộc gọi, tin nhắn thông báo trúng thưởng hoặc có liên quan đến giao dịch ngân hàng.

- Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan Công an phường Đậu Liêu (địa chỉ tổ dân phố 4, phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) hoặc gọi điện theo số điện thoại đường dây nóng của Công an phường: Đ/c Nguyễn Trung Kiên - Trưởng công an Phường: 0912.844.955; Đ/c Phạm Hùng Đức - Phó Trưởng công an phường: 0914.581.113; Đ/c Phan Văn Công - Cảnh sát khu vực: 0913.589.991 để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin cùng chuyên mục

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Văn bản mới ban hành
      PHÁT THANH PHƯỜNG ĐẬU LIÊU
      Bản đồ phường Đậu Liêu
       Liên kết website
      Thống kê: 329.951
      Online: 8