Tháng 7/2020, có 12 Luật, 10 Nghị định, 03 Quyết định và 18 Thông tư có hiệu lực pháp luật. Trong đó, có nhiều chính sách quan trọng, trọng tâm như sau:

1. Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019

Ngày 25/11/2019, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.

- Theo đó, chính thức bỏ “chế độ biên chế suốt đời” đối với viên chức. Cụ thể, hợp đồng không xác định thời hạn hay thường gọi là“chế độ biên chế suốt đời” chỉ còn được áp dụng với 03 trường hợp:

+ Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020;

+ Cán bộ, công chức chuyển thành viên chức;

+ Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

- Bổ sung thêm 02 đối tượng được tuyển dụng công chức thông qua xét tuyển:

+ Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học;

+ Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng.

- Hình thức kỷ luật hạ bậc lương chỉ áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. 

2. Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 có khá nhiều điểm mới, trong đó có các điểm mới nổi bật sau:

- Giảm số lượng Đại biểu và thay đổi số lượng thành viên thường trực của Hội đồng nhân dân các cấp. Theo đó, ở huyện miền núi, vùng cao, hải đảo có từ 40.000 dân trở xuống được bầu 35 đại biểu; trên 40.000 dân được bầu tối đa 35 đại biểu (trước là 40 đại biểu); huyện còn lại có từ 80.000 dân trở xuống được bầu 30 đại biểu; trên 80.000 dân được bầu tối đa 35 đại biểu (trước là 40 đại biểu). Đối với cấp xã: xã miền núi, vùng cao và hải đảo có từ 2000 dân trở xuống được bầu 15 đại biểu; trên 2000 dân đến dưới 3000 dân được bầu 19 đại biểu (trước là 20 đại biểu); 3000 dân được bầu 21 đại biểu; có trên 3000 thì được bầu tối đa 30 đại biểu (trước là 35 đại biểu); xã còn lại có từ 5000 dân trở xuống được bầu 25 đại biểu; có trên 5000 dân được bầu tối đa 30 đại biểu (trước là 35 đại biểu).

- Bổ sung thêm 01 tiêu chuẩn của đại biểu HĐND: Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.

- Tăng số lượng Phó chủ tịch UBND xã loại II thành không quá 02 người (tăng thêm 01 người so với quy định hiện hành). Xã loại I vẫn có tối đa 02 Phó Chủ tịch xã và xã loại III vẫn chỉ có 01 Phó Chủ tịch xã như trước đây.

- Không còn khái niệm họp bất thường trong hoạt động của Chính phủ, HĐND và UBND mà thay vào đó sẽ là họp chuyên đề hoặc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất.

3. Luật Giáo dục 2019

Tại kỳ họp thứ 7, ngày 14/6/2019, Quốc hội khóa XIV chính thức thông qua Luật Giáo dục 2019. Luật có hiệu lực từ ngày 01/7/2020. Theo đó:

- Hầu hết các giáo viên ở các cấp học đều phải nâng chuẩn trình độ. Cụ thể:

+ Giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên;

+ Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên;

+ Giảng viên đại học tối thiểu phải có bằng thạc sĩ.

Việc nâng chuẩn trình độ đối với những giáo viên nêu trên sẽ được thực hiện theo lộ trình.

- Học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học, tuy nhiên sẽ phải hoàn trả lại nếu sau 02 năm kể từ khi tốt nghiệp:

+ Không công tác trong ngành giáo dục;

+ Công tác không đủ thời gian quy định.

4. Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam

Luật Xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam gồm 8 Chương, 52 Điều với nhiều điểm mới đáng chú ý, đặc biệt, là trong công tác cấp hộ chiếu:

- Người có Thẻ căn cước công dân thực hiện tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thuận lợi.

- Người từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền lựa chọn cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc hộ chiếu không gắn chip điện tử. Trong đó, hộ chiếu có gắn chíp điện tử là hộ chiếu có gắn thiết bị điện tử lưu giữ thông tin được mã hóa của cá nhân người mang hộ chiếu và chữ ký số của người cấp;

- Cấp hộ chiếu theo thủ tục rút gọn trong các trường hợp: Người ra nước ngoài có thời hạn bị mất hộ chiếu, có nguyện vọng về nước ngay; Người có quyết định trục xuất… Hộ chiếu cấp theo thủ tục rút gọn có thời hạn không quá 12 tháng và không được gia hạn;

- Dấu vân tay của người đề nghị cấp hộ chiếu sẽ được thu nhận trong quá trình thực hiện thủ tục để phục vụ cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân…

Luật này có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2020.

5. Luật Quản lý thuế

Từ 01/7/2020 khi Luật Quản lý thuế chính thức có hiệu lực, quyền lợi của người nộp thuế càng được đảm bảo hơn nữa. Đơn cử như:

- Được nhận văn bản liên quan đến nghĩa vụ thuế của các cơ quan chức năng khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

- Được biết thời hạn giải quyết hoàn thuế, số tiền thuế không được hoàn và căn cứ pháp lý đối với số tiền thuế không được hoàn.

6. Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi)

Chiều 22/11 Quốc hội đã thông qua Luật Dân quân tự vệ sửa đổi. Luật gồm 8 chương 50 Điều với nhiều điểm mới nổi bật như:

- Bổ sung thêm 04 trường hợp được tạm hoãn nghĩa vụ dân quân tự vệ như: Nam giới một mình nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; Có chồng hoặc vợ là công chức, viên chức, công nhân quốc phòng đang phục vụ trong quân đội, công an…

- Người có quyết định tuyển dụng công chức, viên chức, công nhân quốc phòng hoặc công an nhân dân được thôi nghĩa vụ trước thời hạn…

Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020.

7. Luật Lực lượng dự bị động viên

Luật Lực lượng dự bị động viên được Quốc hội khóa XIV thông qua vào ngày 26/11/2019 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2020, thay thế Pháp lệnh Lực lượng Dự bị động viên năm 1996.

Luật này quy định cụ thể về độ tuổi của quân nhân dự bị trong thời bình. Theo đó, độ tuổi quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên như sau:

- Đối với đơn vị chiến đấu: Nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị không quá 40 tuổi; hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị không quá 35 tuổi;

- Đối với đơn vị bảo đảm chiến đấu: Nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị không quá 45 tuổi. 

8. Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (sửa đổi)

Để phù hợp với tình hình thực tế, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

- Thị thực không được chuyển đổi mục đích, trừ 4 trường hợp sau:

+ Có giấy tờ chứng minh là nhà đầu tư hoặc người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam theo quy định;

+ Có giấy tờ chứng minh quan hệ là cha, mẹ, vợ, chồng, con với cá nhân mời, bảo lãnh;

+ Được cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh vào làm việc và có giấy phép lao động (GPLĐ) hoặc xác nhận không thuộc diện cấp GPLĐ theo quy định;

+ Nhập cảnh bằng thị thực điện tử và có GPLĐ hoặc xác nhận không thuộc diện cấp GPLĐ theo quy định.

- Sửa đổi, bổ sung thêm các ký hiệu thị thực như: LS, ĐT1, ĐT2, ĐT3, ĐT4, DN1, DN2, LĐ1, LĐ2 (hiện hành chỉ có các ký hiệu là ĐT, DN, LĐ);

- Luật hóa quy định về thị thực điện tử:

+ Ký hiệu EV, có giá trị một lần và có thời hạn không quá 30 ngày;

+ Người nước ngoài sử dụng thị thực điện tử nhập cảnh, xuất cảnh phải đủ các điều kiện theo quy định và phải nhập cảnh, xuất cảnh qua các cửa khẩu quốc tế do Chính phủ quyết định.

9. Luật Thư viện

Luật Thư viên là một Luật hoàn toàn mới vừa được Quốc hội thông qua vào ngày 21/11/2019, Luật này có hiệu lực từ ngày kể từ ngày 01/7/2020, thay thế cho Pháp luật Thư viện năm 2000 đã bộc lộ rất nhiều bật cập. Luật Thư viện có rất nhiều điểm mới so với trước đây, theo đó:

- Lấy ngày 21/4 hằng năm là ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam nhằm phát triển một xã hội có thói quen, văn hóa đọc;

- Mở rộng đối tượng được thành lập thư viện: Không chỉ có tổ chức của Việt Nam mà còn tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam…

10. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước

Ngày 26/11/2019, Quốc hội đã thông qua Luật Kiểm toán Nhà nước sửa đổi (sửa đổi 15 nội dung của Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 và 07 nội dung của Luật Tố tụng hành chính năm 2015). Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020.

Trong đó, nội dung nổi bật là Kiểm toán Nhà nước có quyền ra quyết định kiểm toán không cần “dấu hiệu tham nhũng” bởi việc đưa dấu hiệu tham nhũng sẽ khó thực hiện được.

Ngoài ra, để bảo đảm tính thống nhất, Luật sửa đổi này cũng bổ sung căn cứ ban hành quyết định kiểm toán cũng như quy định kiểm toán Nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính…

11. Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước

Ngày 15/11/2018, Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước. Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.

Bí mật nhà nước được phân thành 03 mức độ: Tuyệt mật, Tối mật và Mật. Thời gian bảo vệ bí mật Nhà nước là khoảng thời gian được tính từ ngày xác định độ mật của bí mật Nhà nước đến:

- 30 năm với bí mật Nhà nước độ Tuyệt mật;

- 20 năm với bí mật Nhà nước độ Tối mật;

- 10 năm với bí mật Nhà nước độ Mật… 

12. Luật Kiến trúc 2019

Theo Điều 27 Luật Kiến trúc 2019 có hiệu lực từ 01/7/2020, chứng chỉ hành nghề kiến trúc có thời hạn 10 năm và được sử dụng trong phạm vi cả nước. Chứng chỉ này chỉ được cấp cho người đáp ứng đủ 03 điều kiện:

- Có trình độ đại học trở lên về lĩnh vực kiến trúc;

- Có kinh nghiệm tham gia thực hiện dịch vụ kiến trúc tối thiểu là 03 năm tại tổ chức hành nghề kiến trúc hoặc hợp tác với kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân;

Trường hợp cá nhân đạt giải thưởng kiến trúc quốc gia hoặc giải thưởng quốc tế về kiến trúc sẽ được miễn điều kiện này.

- Đạt yêu cầu sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc.

Trường hợp cá nhân có thời gian liên tục từ 10 năm trở lên trực tiếp tham gia quản lý nhà nước về kiến trúc, đào tạo trình độ đại học trở lên về lĩnh vực kiến trúc, hành nghề kiến trúc được miễn điều kiện này.

13. Nghị quyết số 954/NQ-QH14 điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân

Ngày 02/6/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 954 điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020.

Theo đó, mức giảm trừ gia cảnh quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân được điều chỉnh như sau:

- Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (tương đương 132 triệu đồng/năm);

- Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

14. Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 01/6/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức

Có hiệu lực từ ngày 20/7/2020,  Nghị định số 62/2020/NĐ-CP quy định việc điều chỉnh biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức chỉ được xem xét trong 03 trường hợp:

- Cơ quan, tổ chức thay đổi vị trí việc làm và khối lượng công việc của từng vị trí việc làm; thực tế việc sử dụng biên chế công chức được giao...

- Thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan, tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

- Thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện.

15. Nghị định số 58/2020/NĐ-CP ngày 27/5/2020 của Chính phủ về việc quy định mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp 

Có hiệu lực từ ngày 15/7/2020, Nghị định số 58/2020/NĐ-CP có nội dung đáng chú ý là doanh nghiệp được đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với mức thấp hơn. Cụ thể:

Hiện nay, hàng tháng, người sử dụng lao động phải đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với mức 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Song tới đây, người sử dụng lao động sẽ được đề xuất mức đóng giảm xuống còn 0,3% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định.

16. Nghị định 61/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 28/2015/NĐ-CP về bảo hiểm thất nghiệp

Có hiệu lực từ ngày 15/7/2020, Nghị định này đã bổ sung thêm 03 loại giấy tờ có thể sử dụng trong hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Đó là:

- Xác nhận của người sử dụng lao động trong đó có thông tin của người lao động; loại hợp đồng lao động đã ký; lý do, thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.

- Xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc doanh nghiệp, hợp tác xã giải thể, phá sản hoặc quyết định bãi nhiệm, miễn nhiệm, cách chức đối với các chức danh được bổ nhiệm trong trường hợp người lao động là người quản lý doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã;

- Văn bản xác nhận của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc người lao động không có giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động do đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật./.

 

                            


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Văn bản mới ban hành
    PHÁT THANH PHƯỜNG ĐẬU LIÊU
    Bản đồ phường Đậu Liêu
     Liên kết website
    Thống kê: 355.796
    Online: 22